Gò Quánh – Địa đạo duy nhất tại tỉnh Bình Định
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gò Quánh – Địa đạo duy nhất tại tỉnh Bình Định

    Thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn cùng cả tỉnh và cả nước triển khai quán triệt quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy với tinh thần khẩn trương, khí thế quyết liệt từ khâu chuẩn bị quân lương, củng cố và tăng cường làng xã chiến đấu, tuyến bố phòng chiến đấu, tháo gỡ đường ray xe lửa, đào hố và đóng trụ chặn xe cơ giới trên quốc lộ 1A, đào hầm chôn giấu lương thực, trú ẩn cho người; đồng thời triển khai phương án đào hệ thống địa đạo để trụ bám trong dân đánh địch. Phải dựa vào dân, xây dựng phương châm “chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện”, “chiến tranh du kích”, Huyện ủy quyết tâm “xây dựng hệ thống công sự địa đạo”, tạo thế trận vững vàng ngay giữa lòng dân. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định việc chọn địa điểm xây dựng địa đạo phải đảm bảo vừa bí mật, vừa thuận lợi cho các trận tiến công địch… thì chỉ có Hoài Thanh, Hoài Hương hội đủ các điều kiện đất đai, nhiều vùng có độ cao so với mặt nước biển, mặt nước nổi là cao nhất, nên việc hình thành hệ thống chiến đấu ở đây thuận tiện hơn các xã khác ở phía đông huyện.

    Huyện ủy, Huyện đội Hoài Nhơn đã chọn địa điểm Gò Quánh, thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh để xây dựng địa đạo. Xã Hoài Thanh trước đây theo Quyết định 137/QĐ-CTHĐBT, ngày 07/01/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) chia xã Hoài Thanh thành hai xã: Hoài Thanh và Hoài Thắng; đến năm 1993, đổi xã Hoài Thắng thành Hoài Thanh Tây; xã Hoài Thanh mới gồm 3 thôn: Mỹ An, Trường Lâm và An Lộc. Lúc này, di tích địa đạo Gò Quánh thuộc thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh. Đến năm 2004, UBND tỉnh Bình Định quyết định cho phép tách 3 thôn lớn ở Hoài Thanh thành 5 thôn, sau đó tách thành 10 thôn như hiện nay. Đến nay, di tích địa đạo Gò Quánh phần lớn nằm ở thôn Mỹ An 1 và một phần ở thôn Mỹ An 2. Di tích địa đạo Gò Quánh nằm ở tọa độ 14030’ vĩ Bắc và 109003’ kinh Đông, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 100 km về hướng Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Bồng Sơn khoảng 10 km về hướng đông bắc. Có thể đi đến di tích bằng đường bộ rất thuận tiện. Từ thành phố Quy Nhơn theo quốc lộ 1A, đến bưu điện Chợ Đề (thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây) rẽ phải đến UBND xã Hoài Thanh. Từ trụ sở xã Hoài Thanh di chuyển khoảng 1km là đến di tích.

    Địa đạo Gò Quánh bắt đầu được đào từ cuối năm 1964 và hoàn chỉnh trong năm 1966, chủ yếu đào vào ban đêm. Nhưng những lúc thuận lợi, xã lại phân công người canh gác để đào cả ban ngày. Công cụ dùng để đào là cuốc, cúp, xẻng, xà beng. Địa đạo Gò Quánh hiện nay có 12 miệng hầm. Đường kính từng miệng địa đạo rộng khoảng 1,6m, sâu 10-13 m, khoảng cách của từng miệng hầm trên dưới 100 m nhưng chưa hoàn thiện, nếu thông một tuyến theo đường thẳng từ Bao Bà Quánh (miệng địa đạo số 1) đến miệng địa đạo đất Đinh Thị Cúc (miệng địa đạo số 12) thì chiều dài khoảng 1,2 km, nếu đào theo hình chữ chi tổng chiều dài và diện tích để trú quân sẽ tăng lên nhiều lần.Bên trên các miệng địa đạo là hệ thống giao thông hào dày đặt. Phía sau của địa đạo có hai tuyến chiến hào đào theo hình chữ L quay ngược, phần ngang hướng theo tuyến chiến đấu phía sau của địa đạo, phần dọc là đường rút lui và tiếp viện, đã thông đến Trường Lâm. Chiều sâu khuất đầu người, bình quân cứ 100 m có đục lõm và sâu vào để làm hầm trú ẩn cá nhân, tổng chiều dài của tuyến khoảng 7 km.

    Địa đạo Gò Quánh được sử dụng nhiều nhất từ năm 1966 đến năm 1968. Đến năm 1969, địa đạo chưa hoàn thiện thì bị lộ, bị địch càn dùng máy ủi lấp một số miệng hầm.Địa đạo Gò Quánh từng đón nhiều cán bộ quan trọng bấy giờ, điển hình như các đồng chí: Trần Quang Khanh - Bí thư Tỉnh ủy, Võ Lựu - Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Duy Quý - Phó Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội… qua các giai đoạn, chỉ đạo phong trào. Cùng hệ thống địa đạo, sức chiến đấu của ta còn tăng lên đáng kể nhờ hệ thống giao thông hào chiến đấu, hầm bí mật bảo vệ dày đặc. Từ nơi đây, quân ta nhiều lần khiến kẻ địch thất điên bát đảo.

    Địa đạo Gò Quánh trở thành một nơi trú ẩn an toàn, tạo sự an tâm cho cán bộ chiến sĩ, dân quân du kích tham gia giữ chốt. Dựa vào hệ thống địa đạo kết hợp với công sự mật, du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 (Sao Vàng), đã sử dụng địa đạo để cất dấu vũ khí như pháo 120, cối 82, DKZ và đạn dược để chuẩn bị chiến đấu. Gò Quánh làm nơi trú quân, tránh bom, pháo, là trạm cứu chữa thương binh dã chiến và tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, làm cho địch khiếp sợ. “Hệ thống hầm bí mật được chú trọng “nâng cấp” đủ nuôi giấu vài chục thương binh, đủ điều kiện biên tập, đánh máy tài liệu, đủ cho đài 15w hoạt động đêm ngày, nếu bị địch bao vây cũng đủ cho một tiểu đội du kích tàng hình…”. Địa đạo Gò Quánh là nơi trú ẩn của bộ đội Sư đoàn 3, bộ đội tỉnh, huyện và du kích địa phương, là nơi nghỉ ngơi, chữa trị của các thương bệnh binh và là nơi tổ chức các trận tiến công địch. Địa đạo Gò Quánh đã góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Hoài Nhơn trong sự nghiệp chống Mỹ; là một chứng tích lịch sử về một thời kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh của quân và dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây ghi nhận biết bao công sức, mồ hôi, xương máu của quân và dân ta. Đây còn là minh chứng cho sự quyết tâm, vượt qua gian khổ của quân và dân ta để giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh trường kỳ giải phóng dân tộc, mặc khó khăn, gian khổ phải ẩn nấp, hoạt động trong lòng đất, điều kiện lương thực thiếu thốn và luôn phải đối đầu với bom đạn của kẻ thù. Địa đạo Gò Quánh còn là nơi chứng kiến sự hi sinh, những nỗi đau, mất mát mà cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ngụy gây ra đối với nhân dân Hoài Nhơn, Bình Định và nhiều địa phương khác trên cả nước.

  Ngày 07/03/2019, Di tích được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 711/QĐ-UBND. Di tích đã được khoanh vùng các khu vực bảo vệ, với tổng diện tích 6,21ha gồm 02 khu vực: Khu vực bảo vệ I (khu vực bất khả xâm phạm) 4,73ha gồm khu vực bảo vệ I là diện tích đất bao quanh 08 miệng địa đạo, miệng hầm với bán kính 10m, đường kết nối giữa các miệng hầm mỗi bên 50m và khu vực Gò Tùng và những vị trí khác là diện tích đất bao quanh 04 miệng địa đạo, miệng hầm với bán kính 10m. Khu vực bảo vệ II: 1,48ha. Tất cả diện tích quy hoạch đã được rà, phá bom mìn. Vừa qua, tiến hành giải phóng mặt bằng với diện tích 1.937 m2 và quy hoạch đường vào Bia di tích rộng 16m để tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Hy vọng, một ngày không xa, với sự quan tâm đầu tư tôn tạo di tích của các cấp, các ngành, nhất là khôi phục lại các tuyến, các miệng hố của địa đạo như ban đầu… nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ đỏ, không những có giá trị trong việc nghiên cứu về khoa học quân sự mà còn phát huy giá trị giáo dục truyền thống cách mạng. Qua đó, các thế hệ hôm nay và mai sau có điều kiện để khám phá, chiêm ngưỡng, cảm nghĩ về cuộc chiến đấu anh dũng, hào hùng của các thế hệ cha anh của Hoài Nhơn, Bình Định nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó động viên các thế hệ sau phát huy mọi năng lực, trí tuệ, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị xứng đáng với những hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh năm xưa.


Tác giả: Võ Văn Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết