Di tích lich sử Chiến thắng Đồi 10
Di tích lich sử Chiến thắng Đồi 10
Đồi 10 cách trung tâm hành chính thị xã 20km về phía Bắc; tục danh gọi là gò Màng Thang, sau là cấm Hang Dơi, vì nơi đây có nhiều hang để dơi trú ngụ.
Vị trí Di tích lịch sử Đồi 10
Cả khu đồi xưa là rừng cây rậm rạp, là rừng thiêng của làng nên làng cấm chặt phá, vì vậy gọi là rừng cấm. Cấm Hang Dơi là hai ngọn đồi nằm sát nhau, trong kháng chiến chống Mỹ, Mỹ - Ngụy chiếm nơi này xây dựng thành chốt điểm đóng quân, cây cối bị chặt hết để phục vụ mục đích quân sự. Trên bản đồ, cao điểm này được Mỹ - Ngụy đặt tên là đồi 9 và đồi 10, di tích được gọi chung là Đồi 10.
Vị trí Đồi 10
Đầu năm 1963, Mỹ ngụy đã chiếm đóng và xây dựng Đồi 10 thành căn cứ quân sự trọng điểm nhằm khống chế các xã phía Bắc Hoài Nhơn, làm lá chắn cho chi khu quận lỵ Tam Quan và là căn cứ án ngữ tuyến giáp ranh giữa vùng I và vùng II chiến thuật của địch, là chỗ dựa để củng cố tinh thần bộ máy ngụy quyền hai xã Hoài Sơn, Hoài Châu và là điểm co cụm cố thủ của ngụy quân, ngụy quyền khi bị quân ta tấn công. Chúng xây dựng ở đây 01 sân bay trực thăng, 01 trận địa pháo 105 ly và hệ thống bố phòng dày đặc với quân số gồm 01 trung đội pháo binh, 01 đại đội bảo an, 01 tổng đoàn dân vệ. Mục tiêu của chúng là càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược, ngăn chặn việc mở rộng vùng giải phóng của ta. Cứ điểm Đồi 10 từ khi hình thành (1963) đến lần tháo chạy cuối cùng của địch (1975) liên tục là điểm nóng, điểm tranh chấp một mất một còn của ta với địch.
Đầu năm 1965 Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương mở chiến dịch Xuân 1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch, phá kế hoạch “dồn dân lập ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, nhanh chóng phát triển thế lực chuẩn bị cho những đợt hoạt động tiếp theo. Mở màn cho đợt hoạt động mùa Xuân 1965 trên chiến trường Bình Định là trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5 vào cứ điểm Đồi 10.
Theo kế hoạch từ 23 đến 24 giờ ngày 7/2/1965, thì phát lệnh nổ súng, điểm phát lệnh tại Đồi 10. Nhưng trong đêm 6/2 (nhằm Mùng 4 rạng sáng Mùng 5 Tết Ất Tỵ), tại Đồi 9, các bộ phận hỏa lực của ta tiến sát hàng rào cuối cùng thì tại Đồi 10 các bộ phận vẫn chưa vào đến điểm tập kết. Bất ngờ đến 24 giờ địch bắn 2 phát súng, quân ta bên Đồi 9 tưởng Đồi 10 phát lệnh tiến công như đã định, chỉ sau 3 phút đã chiếm được mục tiêu. Trong khi đó các chiến sĩ đánh Đồi 10 trên đường tiến đã bị thương vong một số, nhưng cũng đã phá xong hàng rào thứ hai. Lúc này địch chống trả quyết liệt, ta lại mất liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn. Trước tình hình đó, ta vẫn xông lên đánh mạnh vào cửa mở và đồng loạt xông lên đánh một mạch diệt 03 hầm, 01 lô cốt và cả chỉ huy sở của địch nằm trên cao điểm. Vũ khí hết, anh em dùng vũ khí của địch để đánh địch, những điểm còn lại lần lượt bị diệt gọn, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Với thắng lợi xuân năm 1965 mở đầu bằng trận Đồi 10, đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Từ tháng 4/1965 đến năm 1967, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Tại Khu V, địch huy động 43 trong số 72 tiểu đoàn đánh vào 3 hướng: Nam Quảng Ngãi, Bắc Bình Định và Nam Phú Yên, trong đó Bắc Bình Định là trọng điểm. Với mục tiêu là “tìm diệt” quân chủ lực của ta - Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân Mỹ mở liên tiếp 3 cuộc hành quân lớn mang tên: “Kẻ nghiền nát” (Masher) vào Bắc Bồng Sơn, “Cánh Trắng I và II” (White Wing I and II) vào thung lũng An Lão, Kim Sơn.
Chuẩn bị đánh trả cuộc phản công chiến lược này của địch, đầu năm 1966 Tỉnh ủy Bình Định đã ra lời kêu gọi quân dân toàn tỉnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện khẩu hiệu “Tây Sơn quyết thắng”. Trong các ngày từ 29 đến 31/1/1966 tại các thôn Chương Hòa, Cửu Lợi, An Thái, quân ta đã dựa vào làng chiến đấu kiên cường bám trụ đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, diệt 120 tên địch tại Đồi 10. Bộ đội và du kích kiên cường bám giữ Đồi 10 vì là chốt điểm khá quan trọng, nên địch quyết tâm chiếm lại Đồi 10 bằng mọi giá. Bọn chúng tổ chức nhiều đợt xung phong từ nhiều hướng; các chiến sĩ ta đã nhiều lần xông lên đánh giáp lá cà với địch, bằng lối đánh linh hoạt, chốt điểm vẫn được giữ vững. Đến chiều ngày 30/1 trên chốt điểm Đồi 10 chỉ còn lại ba chiến sĩ cách mạng, trong tình thế vũ khí hết đạn, chỉ còn lại 3 quả lựu đạn. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các anh chiến sĩ cảm tử vẫn kiên quyết bám giữ trận địa đến giây phút cuối cùng. Trong tình thế chốt điểm bị bao vây bốn phía, bỗng trên đỉnh đồi xuất hiện 3 chiến sĩ giải phóng bật đứng dậy khoát vai nhau cùng cất tiếng hát vang bài “Giải phóng miền Nam” và kích bổ quả lựu đạn cuối cùng. Ba con người tả tơi, nhem nhuốc, mình mẩy đẩm máu, chụm lại thành một khối trong đỉnh chiều, cổ họng khô khát cất lời Tổ quốc tự ngàn năm.. khiến kẻ thù khiếp sợ, chùn bước.
Mùa Xuân năm 1968, nhân dân Hoài Châu đã phối hợp với lực lượng chủ lực và du kích tiến hành cuộc đấu tranh chính trị, bao vây căn cứ Đồi 10 với khẩu hiệu “Chống cày ủi, đốt phá ruộng vườn, xóm làng”; “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Chống bắt bớ”... Bọn địch trong căn cứ xả súng bắn vào đoàn biểu tình, nhưng vẫn không ngăn được khí thế của đội quân tóc dài, đoàn biểu tình vẫn cứ tiến lên. Anh Ngô Bàn xông lên phía trước nằm đè lên lựu đạn, nhận lấy sự hy sinh cao cả để nhân dân khỏi bị thương vong. Má Ngung nắm lấy nòng súng địch đang nhả đạn chĩa thẳng lên trời để đoàn biểu tình thúc giục đồng bào tiến lên phía trước, xông thẳng vào quân lính. Cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Hoài Châu ở Đồi 10 diễn ra vô cùng quyết liệt, người trước ngã, người sau tiến lên đấu tranh… bộc địch phải ngừng nổ súng và cứu người bị thương. Gương hy sinh cao cả của các mẹ, các chị và các em thiếu nhi Hoài Châu đã tô thắm truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Hoài Nhơn…
Tháng 3/1975, với khí thế vùng lên của cả dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Hoài Nhơn đồng loạt mở chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy bao vây hệ thống đồn, bót địch trong toàn huyện. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta, bọn địch tháo chạy, ta làm chủ hoàn toàn Đồi 9, Đồi 10 tiếp tục bao vây phong tỏa chi khu quận lỵ Tam Quan, Bồng Sơn để tiến lên giải phóng hoàn toàn huyện nhà sớm nhất trong toàn tỉnh.
Đồi 10 là một chứng tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây thấm đẫm xương máu của 1.344 đồng chí, đồng bào Hoài Châu (nay là hai xã Hoài Châu, Hoài Châu Bắc), của những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng. Qua chiến đấu và đấu tranh với địch tại Đồi 10 đã có 5 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 02 bộ đội chủ lực (01 đồng chí Tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu 5 và 01 đồng chí Sư đoàn 3 Sao Vàng); 01 du kích và 2 người thuộc đội quân đấu tranh chính trị. Quân và dân hai xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.
Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 10 xã Hoài Châu Bắc
Ngày 31/3/2006, Di tích chiến thắng Đồi 10 được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đó là sự ghi nhận, tri ân của Đảng và Nhà nước đối với những chiến công hiển hách, những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân Hoài Nhơn trong đấu tranh và giải phóng dân tộc, nơi giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.