1. Lịch sử hình thành

          Sau đợt cải cách hành chính của các cấp hành chính nhà nước địa phương năm 1832, địa phận xã Hoài Đức ngày nay thuộc huyện Bồng Sơn. Thời Pháp thuộc, các làng của xã Hoài Đức thuộc hai tổng Trung Yên và tổng Vạn Đức, sau đó được tách ra gọi là tổng Lại Khánh.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, xã Hoài Đức được Ủy ban hành chính huyện đồng ý cho lấy tên là tổng Võ Xuân Tiềm. Cuối năm 1945, đầu năm 1946 thực hiện chủ trương cấp trên, các làng Bình Chương, Lại Khánh, Diễn Khánh, Văn Cang, Lại Đức lập thành xã Minh Đức thuộc huyện Hoài Ân. Cuối năm 1947, đầu năm 1948 thực hiện chủ trương hợp xã lần thứ hai, làng Định Bình thuộc xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn sáp nhập với xã Minh Đức, huyện Hoài Ân thành xã Hoài Đức thuộc huyện Hoài Nhơn gồm các thôn Định Bình, Bình Chương, Lại Khánh, Văn Cang, Diễn Khánh, Lại Đức.

Đến năm 1975, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Hoài Đức cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cùng với quá trình xây dựng quê hương, để thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đến năm 2002 xã Hoài Đức đã hình thành 10 thôn và ổn định cho đến nay.

2. Địa giới hành chính

Hoài Đức là xã đồng bằng nằm ở phía Nam của huyện Hoài Nhơn, có địa giới hành chính:

- Phía Đông giáp xã Hoài Mỹ;

- Phía Tây giáp thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Phong và xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân;

- Phía Nam giáp xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ;

- Phía Bắc giáp xã Hoài Xuân và thị trấn Bồng Sơn.

3. Diện tích tự nhiên và cơ cấu các loại đất

Xã Hoài Đức có diện tích tự nhiên là 6.371,88 ha (63,72 km2). Trong đó cơ cấu các loại đất như sau:

- Diện tích đất nông nghiệp là: 5714,63 ha, chiếm 89,69%;

- Diện tích đất phi nông nghiệp là: 621,2 ha, chiếm 9,75%;

- Diện tích đất chưa sử dụng là: 36,05 ha, chiếm 0,56%.

4. Dân số và cơ cấu lao động

Tính đến ngày 31/12/2018, toàn xã có 13.800 người. Mật độ dân số bình quân 217 người/km2.

Tổng số người lao động trong các ngành kinh tế là 7.215 người, chiếm 52% tổng dân số, trong đó:

- Lao động nông nghiệp: 2.165 người, chiếm 30%;

- Lao động phi nông nghiệp: 5.050 người, chiếm 70%.

Ban biên tập (tổng hợp)